Tự do hoá và cải cách Mùa xuân Praha

Công chúng Tiệp Khắc không hề biết gì về cuộc đấu tranh chính trị, và những dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi khá ít. Khi thành viên đoàn chủ tịch Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (KSČ) Josef Smrkovský được phỏng vấn trong một bài báo của Rudé Právo, với tiêu đề "Điều gì phía trước", ông đã nhấn mạnh rằng việc chỉ định Dubček trong cuộc họp toàn thể vào tháng 1 sẽ nâng cao hơn nữa các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và duy trì vai trò của tầng lớp công nhân trong Đảng Cộng sản.[10]

Nhân kỷ niệm lần thứ 20 của "Tháng 2 thắng lợi", Dubček đã có một bài diễn văn giải thích sự cần thiết phải thay đổi sau thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Ông nhấn mạnh nhu cầu "tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng một cách hiệu quả hơn nữa"[11] và thừa nhận rằng, dù có những hối thúc của Klement Gottwald nhằm có quan hệ tốt hơn với xã hội, Đảng quá thường xuyên can thiệp sâu vào các vấn đề nhỏ. Dubček tuyên bố sứ mệnh của đảng là "xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiếp trên những nền tảng kinh tế lành mạnh... một chủ nghĩa xã hội tương thích với các truyền thống dân chủ lịch sử của Tiệp Khắc, tương ứng với kinh nghiệm của các đảng cộng sản khác..."[11]

Tháng 4, Dubček đưa ra một "Chương trình hành động" tự do hoá, gồm tăng tự do cho báo chí, tự do ngôn luận và tự do di chuyển, với sự nhấn mạnh kinh tế trên hàng hoá tiêu dùng và khả năng một chính phủ đa đảng. Chương trình dựa trên quan điểm rằng "Chủ nghĩa xã hội không thể chỉ có nghĩa là giải phóng người lao động khỏi sự thống trị của tầng lớp bóc lột, mà phải tính xa hơn nữa tới một cuộc sống đầy đủ hơn cho cá nhân hơn bất kỳ tại một chế độ dân chủ tư sản nào."[12] Chương trình sẽ giới hạn quyền lực của công an chìm[13] và dự định liên bang hoá ČSSR thành hai nước cộng hoà có vị thế như nhau.[14] Chương trình cũng có đề cập tới chính sách đối ngoại, gồm cả việc duy trì mối quan hệ tốt với các nước phương Tây và hợp tác với Liên xô và các quốc gia cộng sản khác.[15] Chương trình đề cập tới một khả năng về một quá trình chuyển tiếp mười năm sang các cuộc bầu cử dân chủ và một hình thức chủ nghĩa xã hội dân chủ mới có thể thay thế hình thức hiện tại.[16]

Tuy nhiên, những người soạn thảo Chương trình, đã thận trọng không chỉ trích các hành động của chế độ cộng sản thời hậu chiến, chỉ ra các chính sách mà họ cho là đã lỗi thời và không còn tác dụng.[17] Ví dụ, tình hình ngay sau chiến tranh cần "các biện pháp hành chính tập trung và mệnh lệnh"[17] để chống lại "các tàn tích của giới tư sản."[17] Bởi "các tầng lớp đối kháng"[17] được cho là đã bị đánh bại với sự thành công của chủ nghĩa xã hội, những biện pháp đó không còn cần thiết nữa. Cải cách là cần thiết, Chương trình viết, để nền kinh tế Tiệp Khắc gia nhập "cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới"[17] chứ không phải dựa vào nền công nghiệp nặng, nhân lực, và vật liệu thô như thời Stalin.[17] Hơn nữa, bởi cuộc xung đột trong nội bộ giai cấp đã không còn nữa, những người công nhân hiện đã có thể hoàn toàn được tưởng thưởng cho chất lượng công việc và khả năng của mình mà không hề trái ngược với Chủ nghĩa Mác-Lenin. Chương trình cho rằng đó là thời điểm cần thiết để việc đảm nhận vị trí quan trọng phải được thực hiện bởi "các chuyên gia có khả năng, được giáo dục xã hội chủ nghĩa" nhằm cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản.[17]

Dù Chương trình hành động cho rằng cải cách phải được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, áp lực của dân chúng lên cao đòi thực hiện cải cách ngay lập tức.[18] Các thành viên cấp tiến trở nên to mồm hơn: những cuộc bút chiến chống Liên xô xuất hiện trên báo chí (sau khi chính thức bãi bỏ kiểm duyệt ngày 26 tháng 6 năm 1968),[16] Những người Dân chủ Xã hội bắt đầu thành lập một đảng riêng biệt, và những câu lạc bộ chính trị mới phi đảng phái được lập ra. Những người thân Liên Xô trong đảng hối thúc các biện pháp trấn áp, nhưng Dubček không có hành động thái quá và tái nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.[19] Tại cuộc họp của Đoàn chủ tịch Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vào tháng 4, Dubček thông báo một chương trình chính trị "chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người".[20] Tháng 5, ông thông báo rằng Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ được nhóm họp một phiên sớm vào ngày 9 tháng 9. Đại hội sẽ đưa Chương trình hành động vào trong các nghị quyết của đảng, phác thảo một luận liên bang, và bầu ra một Uỷ ban Trung ương mới.[21]

Các cuộc cải cách của Dubček đảm bảo quyền tự do của báo chí, và những lời bình luận chính trị lần đầu tiên được cho phép xuất hiện trên truyền thông chính thống.[22] Ở thời điểm phong trào Mùa xuân Praha, xuất khẩu của Tiệp Khắc đang suy giảm tính cạnh tranh, và những biện pháp cải cách của Dubček nhằm giải quyết vấn đề này bằng cách pha trộn kinh tế kế hoạch với kinh tế thị trường. Bên trong đảng, có những ý kiến về việc Kế hoạch phải diễn ra như thế nào; một số nhà kinh tế muốn có một nền kinh tế hỗn hợp mạnh hơn nữa trong khi những người khác muốn nền kinh tế tiếp tục hầu hết là chủ nghĩa xã hội. Dubček tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách kinh tế, được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng.[23]

Ngày 27 tháng 6 Ludvík Vaculík, một nhà báo và tác gia nổi tiếng, xuất bản một bản tuyên ngôn có tiêu đề Hai ngàn từ. Bản tuyên ngôn thể hiện sự lo ngại về các thành phần bảo thủ bên trong Đảng Cộng sản Tiệp Khắc và cái gọi là các lực lượng "nước ngoài". Vaculík kêu gọi người dân đưa ra sáng kiến trong cách áp dụng chương trình cải cách.[24] Dubček, Chủ tịch đảng, Mặt trận Quốc gia, và nội các bác bỏ bản tuyên ngôn này.[25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùa xuân Praha http://books.google.ca/books?id=4eSR1rHg5_YC&dq=%C... http://books.google.ca/books?id=fWIEzbnmF6YC&dq=pr... http://www.bruceduffie.com/husa.html http://www.country-studies.com/czech-republic/the-... http://books.google.com/books?id=EEBkON-ySQUC&pg=P... http://www.imdb.com/title/tt0096332/ http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9B0... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9C0... http://www.photius.com/countries/slovakia/economy/... http://www.prague-life.com/prague/prague-spring